Để chuyển trường cho con một cách nhanh chóng, suôn sẻ, bạn cần hiểu rõ các thủ tục phải thực hiện. Bài viết này hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chuyển trường cho con theo các quy định mới nhất hiện hành.
1. Thủ tục chuyển trường mầm non
- Thành phần hồ sơ: Đơn xin chuyển trường.
Khi làm đơn xin chuyển trường, phụ huynh cần phải điền đây đủ và rõ ràng các thông tin như: Họ tên phụ huynh, họ tên trẻ, ngày sinh của trẻ, lớp trẻ đang học, địa chỉ thường trú, thông tin trường muốn chuyển đến, lý do chuyển trường.
- Trình tự thủ tục chuyển trường
- Phụ huynh nộp đơn chuyển trường cho Hiệu trưởng trường mẫu giáo mà trẻ đang theo học;
- Sau khi được Hiệu trưởng duyệt, phụ huynh nên xin thêm một tờ giấy giới thiệu chuyển trường để nộp cho trường mới.
- Khi đã hoàn tất thủ tục tại trường cũ, phụ huynh nộp giấy giới thiệu, đơn xin nhập học kèm theo giấy khai sinh (bản sao y công chứng) cho trường mới.
2. Thủ tục chuyển trường tiểu học
2.1. Thủ tục chuyển trường cho học sinh tiêu học ở trong nước
Căn cứ Điều 36 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, trình tự thủ tục chuyển trường được thực hiện như sau:
- Thành phần hồ sơ:
- Đơn xin chuyển trường của Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh;
- Học bạ;
- Thông tin về tài liệu học tập (tại trường đang học), tiến độ thực hiện chương trình (theo mẫu tại Phụ lục III Thông tư 28), bảng tổng hợp kết quả đánh giá rèn luyện và học tập của học sinh theo quy định;
- Kế hoạch giáo dục cá nhân đối với học sinh khuyết tật (nếu có).
- Trình tự thủ tục chuyển trường
Bước 1: Nộp đơn xin chuyển trường cho trường nơi chuyển đến
Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh nộp Đơn xin chuyển trường cho nhà trường nơi chuyển đến bằng hình thức nộp trực tiếp, nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (nếu có).
Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến đồng ý về việc tiếp nhận học sinh vào đơn, trường hợp không đồng ý phải ghi rõ lý do vào đơn và trả lại đơn cho cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh theo hình thức đã tiếp nhận đơn.
Bước 2: Gửi đơn xin chuyển trường cho trường nơi chuyển đi
Khi có ý kiến đồng ý tiếp nhận của nơi chuyển đến, cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh gửi đơn xin chuyển trường cho nhà trường nơi chuyển đi.
Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường nơi chuyển đi có trách nhiệm trả hồ sơ cho học sinh.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ
Trường có học sinh chuyển đi hướng dẫn việc hoàn thiện và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ. Trường nhận học sinh chuyển đến tiếp nhận và quản lý hồ sơ.
Bước 4: Nộp hồ sơ cho nhà trường nơi chuyển đến.
Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh là người nộp hồ sơ.
Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến tổ chức trao đổi, khảo sát, tư vấn và tiếp nhận xếp học sinh vào lớp.
2.2. Thủ tục chuyển trường cho học sinh tiểu học từ nước ngoài về
Học sinh tiểu học từ nước ngoài chuyển về nước học tập thực hiện thủ tục chuyển trường theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Điều lệ trường tiểu học như sau:
- Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh trực tiếp nộp Đơn xin chuyển trường cho học sinh tiểu học về từ nước ngoài cho nhà trường nơi chuyển đến hoặc nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (nếu có).
- Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến đồng ý về việc tiếp nhận học sinh vào đơn, trường hợp không đồng ý phải ghi rõ lý do vào đơn và trả lại đơn cho cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh theo hình thức đã tiếp nhận đơn.
- Trong trường hợp đồng ý tiếp nhận học sinh, trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, hiệu trưởng trường tiểu học tổ chức khảo sát trình độ của học sinh, xếp vào lớp phù hợp, tiếp nhận và quản lý hồ sơ học sinh theo quy định.
3. Thủ tục chuyển trường THCS, THPT
3.1. Hồ sơ chuyển trường
Hồ sơ chuyển trường của học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT sửa đổi bởi Thông tư 50/2021/TT-BGDĐT bao gồm:
- Đơn xin chuyển trường do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký;
- Học bạ (bản chính).
- Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp đầu cấp trung học phổ thông quy định cụ thể loại hình trường được tuyển.
- Giấy giới thiệu chuyển trường do Hiệu trưởng nhà trường nơi đi cấp.
- Giấy giới thiệu chuyển trường do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở); Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) nơi đi cấp (trường hợp xin chuyển đến từ tỉnh, thành phố khác).
3.2. Thủ tục chuyển trường THCS, THPT
Bước 1: Người giám hộ gửi đơn xin chuyển trường cho Hiệu trưởng trường định chuyển đến.
Hiệu trưởng trường nơi chuyển đến nếu chấp nhận thì có ý kiến đồng ý tiếp nhận vào đơn. Đối với những trường hợp không đồng ý, Hiệu trưởng phải nêu rõ lý do vào đơn và trả lại cho người nộp đơn.
Bước 2: Người giám hộ học sinh gửi Đơn xin chuyển trường đến Hiệu trưởng trường học sinh đang học. Hiệu trưởng cấp giấy giới thiệu chuyển trường, đồng thời cho phụ huynh rút hồ sơ, học bạ của học sinh.
Bước 3: Nộp hồ sơ chuyển trường
- Đối với học sinh THCS:
- Chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố: Hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác: Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận và giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã được kiểm tra.
- Đối với học sinh trung học phổ thông:
- Chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố. Hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác: Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường.
Lưu ý về thời gian chuyển trường: Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới.
Trường hợp ngoại lệ về thời gian do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) nơi đến xem xét, quyết định.
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT
Tác giả: Kim Anh
Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng