GD&TĐ - Sáng 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban QG về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng tham dự Hội nghị có: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.
Điểm cầu Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.
|
Chuyển đổi số cần đi trước, đón đầu
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi chuyển đổi số là xu hướng, phong trào có tính toàn cầu.
Trong nước, tình hình có thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nền kinh tế chịu sức ép cùng lúc từ các bên, từ bên ngoài và cả yếu tố bên trong, nhất là sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất gia tăng, các thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Việc này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến.
Về dữ liệu, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt quan điểm đây là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Cùng với đó, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị… Trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi-khối), ChatGPT… và đánh giá phản ứng trước những vấn đề mới để tiếp tục có giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt. Năm 2023 được xác định là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm: Số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
|
Điểm nhấn chuyển đổi số trong giáo dục
Triển khai chuyển đổi số trong GD&ĐT,Bộ GD&ĐT đã tham mưu và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, làm cơ sở đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong ngành giáo dục giai đoạn tới một cách hệ thống, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT đồng thời xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT giai đoạn 2022-2025 nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án chuyển đổi số của Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời cũng đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ năm 2023.
Báo cáo về một số kết quả nổi bật công tác chuyển đổi số GD&ĐT năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ đã triển khai có hiệu quả Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ động phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết nối, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu hồ sơ giáo viên, cán bộ quản lý và hồ sơ học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đã thực hiện xác thực và định danh được thông tin của hơn 23 triệu hồ sơ điện tử công dân là học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục phổ thông - mầm non.
Số hồ sơ còn lại của giáo viên và học sinh (khoảng hơn 2 triệu hồ sơ), Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương tiếp tục tiến hành thu thập và hoàn thiện trong năm 2023.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT được triển khai trong đó có 3 dịch vụ ở mức độ 3, 48 dịch vụ ở mức độ 4; đã kết nối, tích hợp và cung cấp 13 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.
|
Trong năm 2022, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông" và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục “Công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành giáo viên mầm non”.
Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và phát triển kho học hiệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành (bao gồm cả học liệu mở) được đưa vào khai thác sử dụng, chia sẻ gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông,...
Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử” và tiếp nhận, tổ chức đánh giá, thẩm định 42.983 bài giảng điện tử do giáo viên biên soạn. Kết quả, lựa chọn được 2.130 bài giảng đáp ứng chuyên môn, đủ điều kiện đưa lên kho học liệu chia sẻ, dùng chung tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên tham khảo sử dụng.
Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý điều hành. Theo đó, đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý (51.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe …), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn).
Từ đó ứng dụng có hiệu quả trong quản lý giáo dục đồng bộ trên phạm vi toàn quốc về: Quản lý thừa, thiếu và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên; bước đầu số hóa thông tin phục vụ quản lý sức khỏe học sinh trên cả nước; quản lý điều hành các hoạt động tiếp nhận, phân bổ và bàn giao sử dụng máy tính tới từng học sinh thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”; theo dõi tiến độ tiêm vắc-xin của học sinh trên cả nước và ứng dụng mạnh mẽ trong báo cáo thông tin phục vụ quản lý điều hành của ngành giáo dục khi mở cửa trường học trở lại.
Đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã giao ĐHQG TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (5 cơ sở đào tạo uy tín về lĩnh vực Công nghệ thông tin) xây dựng Đề án “Đào tạo nhân lực Công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số”.
Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng Đề án mô hình giáo dục đại học số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số lần thứ 3. Đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 hiện đang được hoàn thiện dự thảo theo các ý kiến góp ý của các bên liên quan.
Hiếu Nguyễn. Ảnh: Thế Đại
Nguồn:https://giaoducthoidai.vn/
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã rà soát và hoàn thiện quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học (dự thảo đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi theo quy định từ 17/10/2022). Ban hành quy định về mở ngành theo đó có quy định điều kiện khi mở ngành “Cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến”. Ban hành quy định về xác định chỉ tiêu đào tạo từ xa; xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học; xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo đó có tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực và các ngành CNTT...