GD&TĐ - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra những lưu ý trong triển khai nhiệm vụ giáo dục đại học (ĐH) năm học 2022-2023 tại hội nghị chiều 12/9.
Đây là Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục ĐH với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn.
Nỗ lực vượt khó, gặt hái kết quả đáng khích lệ
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Trong năm học vừa qua, dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, hệ thống giáo dục ĐH cả công và tư đã hết sức nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn để triển khai đổi mới một cách toàn diện, bảo đảm các hoạt động chuyên môn và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.
Nhìn trong toàn hệ thống, trong năm qua, đã có sự gia tăng đáng kể về cơ cấu đào tạo, số ngành nghề, phát triển thêm một số trường ĐH, chương trình đào tạo…, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng đa dạng của đất nước.
Trong 3 năm triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật 34 - có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019), thì có đến 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, các cơ sở giáo dục ĐH chủ động hơn, năng động hơn, đúng theo tinh thần triển khai Luật 34 về tự chủ ĐH. Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022 được tổ chức ngày 4/8 vừa qua đã khẳng định triển khai tự chủ ĐH đang đi đúng hướng và thu được những kết quả quan trọng.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
|
Kết quả của giáo dục ĐH trong năm học vừa qua cũng được Bộ trưởng ghi nhận với chỉ số xếp hạng của cơ sở giáo dục ĐH trên các bảng xếp hạng quốc tế, khu vực khác nhau, một số giữ vững, một số gia tăng. Nhìn từ góc độ chất lượng thông qua kiểm định trong nước và quốc tế, qua thanh kiểm tra và đánh giá nhà tuyển dụng,…, có thể thấy hoạt động ĐH ngày càng đi vào thực chất, thực lực, trong cả đào tạo và nghiên cứu khoa học. “Điều đó rất đáng mừng” - Bộ trưởng chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cơ sở giáo dục ĐH từ hệ thống quản lý đến các nhà khoa học, nhà giáo tham gia vào quá trình đổi mới, gia tăng chất lượng hệ thống.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng đồng thời cho rằng, thách thức của việc hoàn thiện tự chủ ĐH còn đặt ra khá nhiều, do hệ thống của chúng ta đa dạng, điều kiện triển khai cũng như những yếu tố khác còn đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống giáo dục ĐH.
|
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị.
|
Lưu ý một số nhóm công việc quan trọng
Triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, trong Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học cũng đã có nội dung về giáo dục ĐH. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng lưu ý thêm một số nội dung liên quan đến nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục ĐH; các điều bảo đảm chất lượng; nhóm công việc liên quan đến tuyển sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; về quản lý chất lượng và kiểm định; học phí; hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; triển khai Nghị định 116 trong đặt hàng đào tạo giáo viên; vấn đề quy hoạch mạng lưới…
Nhấn mạnh đầu tiên đến việc thực thi pháp luật trong triển khai hoạt động tại các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ trưởng yêu cầu các trường tiếp tục lưu ý, trong lộ trình triển khai tự chủ ĐH theo chiều sâu của giai đoạn tự chủ mới, cần rà soát, xây dựng, ban hành hệ thống các quy chế, văn bản nội bộ của đơn vị sao cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Kiện toàn công tác thanh tra, pháp chế và tăng cường năng lực cho cán bộ thanh tra, pháp chế tại cơ sở. Bộ trưởng nhấn mạnh: Gia tăng năng lực quản trị ĐH thực chất là gia tăng năng lực thực hiện quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục ĐH.
|
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.
|
Về tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ trưởng nhắc đến yếu tố cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân lực khoa học… đáp ứng chuẩn của trường ĐH. Riêng vấn đề nhân lực, có nhiều giải pháp, trong đó cần thực hiện tốt Đề án 89 "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" và một số chương trình khác liên quan; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực. Đây là điều kiện quan trọng để tiếp tục phát triển chất lượng trong giáo dục ĐH.
Với hệ thống cơ sở vật chất, đưa nhận định, hiện nay kể cả các cơ sở giáo dục ĐH công và tư của chúng ta hầu như đều trong tình trạng còn thiếu thốn, Bộ trưởng khuyến khích tận dụng mọi nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở vật chất; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa với giáo dục ĐH. Với hệ thống trường công còn rất cần lưu ý đến tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công; trong đó nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH trong triển khai. Tinh thần là “chắt chiu từng phần nhỏ các nguồn lực tài chính đầu tư để có được sự cải thiện về cơ sở vật chất”.
|
Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT trao đổi lại các vấn đề cơ sở giáo dục đại học quan tâm và giải đáp những vướng mắc, đề xuất từ cơ sở. |
Nhóm công việc liên quan đến tuyển sinh, Bộ trưởng lưu ý, ngoài triển khai thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm 2022, cần khẩn trương có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH công bố dự kiến phương án tuyển sinh năm 2025. Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025.
Về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tăng cường kết nối toàn bộ hệ thống, từ hạ tầng dữ liệu đến phương diện quản trị, hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, kiểm tra - đánh giá. Trong đó, phía Lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục ĐH sẽ tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu, làm sao giảm thiểu việc phải báo cáo của các đơn vị; cũng như thông qua quản lý dữ liệu là một công cụ để quản lý nhà nước với các cơ sở, có cảnh báo sớm, phán đoán các diễn biến… Về phần các cơ sở giáo dục ĐH, khi được yêu cầu cập nhật về dữ liệu thì cần thực hiện một cách nghiêm túc.
Trước vấn đề được nhiều cơ sở rất quan tâm là học phí, Bộ trưởng thông tin, quan điểm của Chính phủ là: Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ GD&ĐT trình một vài phương án, nhưng khả năng cao chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định mức học phí như năm 2021. Tinh thần chỉ đạo là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân và xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng chia sẻ thông tin này, như một “dự lệnh” để cơ sở giáo dục ĐH chuẩn bị trước tinh thần, bởi không tăng học phí có thể khiến cơ sở giáo dục ĐH công lập gặp khó khăn.
Năm học 2022-2023, khó khăn, thách thức còn nhiều ở phía trước, nhưng Bộ trưởng tin tưởng, với tinh thần lường trước khó khăn, sự sáng tạo, năng động và quyết tâm của các cơ sở giáo dục ĐH, và trên cơ sở kết quả đạt được trong những năm vừa qua, các trường sẽ sẵn sàng ứng phó, vượt qua để giữ được đà phát triển của giáo dục ĐH trong năm học mới.